Trao đổi với
Thanh Niên, ông Trần Thanh Song, Giám đốc Công ty
công nghệ và dịch vụ viễn thông Nam Việt, cho biết: “Các hệ thống camera gia đình có thể bị hack bởi nhiều hình thức và đang ngày càng phổ biến”.
Theo ông Song, có nhiều lỗ hổng để người khác có thể “đột nhập” vào hệ thống camera gia đình. Thứ nhất, nếu người lắp đặt và bên cung cấp không bàn giao toàn bộ quyền quản trị hệ thống thì họ có thể vào xem, lưu các video mà camera ghi lại. Thứ hai, những người được chủ nhà cấp quyền truy cập vào hệ thống camera để xem live cũng có thể lưu lại hình ảnh họ xem được. Thứ ba, kẻ đột nhập xâm nhập được vào mạng internet gia đình bằng cách biết được mật khẩu wifi sẽ dùng các thuật toán, phần mềm để truy cập vào hệ thống camera.
Ông Song khuyến cáo: “Camera an ninh không nên lắp ở những nơi nhạy cảm như phòng ngủ của vợ chồng, nhà vệ sinh, phòng thay đồ. Mật khẩu wifi cũng không nên công khai hay quá dễ nhớ. Nhiều trường hợp thì cần dùng tường lửa hoặc giao thức mạnh để bảo vệ. Đặc biệt, khi lắp camera an ninh, người sử dụng cần yêu cầu đơn vị cung cấp bàn giao toàn bộ quyền quản trị và hướng dẫn sử dụng. Khi đó, người dùng sẽ kiểm soát được ai đang xem, lưu hình ảnh từ camera của mình”.
Phải phạt tù hacker
Luật sư (LS) Lê Trung Phát, Giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát, cho biết hành vi xâm nhập hệ thống camera của người khác có thể bị khởi tố tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác. Nếu sau khi khởi tố vụ án, cơ quan công an xác định có tình tiết “có tổ chức” thì hành vi này có thể bị phạt tiền từ 300 triệu - 1 tỉ đồng, hoặc phạt tù từ 3 - 7 năm.
LS Phát nhấn mạnh sau khi lấy được hình ảnh từ camera của người khác, hacker còn tung những hình ảnh riêng tư này lên MXH, nhiều người đã dùng những lời lẽ miệt thị, khó nghe để bình phẩm. Có thể thấy, đây là việc làm có chủ đích và cố ý làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của người xuất hiện trong camera. Như vậy,
hacker cũng có thể bị khởi tố thêm tội làm nhục người khác, với khung hình phạt từ 3 tháng đến 2 năm tù.
Theo LS Phát, nếu là nạn nhân của các sự vụ như vậy, bị hại cần làm đơn gửi cơ quan chức năng để yêu cầu bảo vệ quyền lợi cho mình. “Bằng quyền hạn và khả năng của mình, cơ quan điều tra có thể tìm nguồn gốc của những thông tin riêng tư để xóa đi, hạn chế sự chia sẻ tràn lan trên MXH, tránh để hậu quả xảy ra quá lớn”, LS Phát bày tỏ.
Nguồn: Báo Thanh Niên