Mọi người thường nghĩ rằng, khi đề cập tới kỹ năng xã hội, có nghĩa là kết bạn. Trên thực tế, các kỹ năng xã hội bao gồm nhiều khía cạnh như giao tiếp trong xã hội, đàm phán với mọi người, sự phát triển cá nhân…
Làm thế nào để cải thiện các kỹ năng xã hội của trẻ một cách có hệ thống ngay từ khi còn nhỏ? Bài viết chia sẻ của một người bố Trung Quốc có cô con gái tên Hana dưới đây có thể phần nào giúp các bậc cha mẹ dạy con tốt hơn.
Cha mẹ là người chịu trách nhiệm đầu tiên về giao tiếp xã hội của con cái
Nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng, tương tác xã hội diễn ra sau giờ học của con cái. Trên thực tế, cha mẹ là người đầu tiên tương tác, nói chuyện với mỗi đứa trẻ. Trẻ tiếp thu, bắt chước, học hỏi rất nhiều thông qua việc hội thoại với cha mẹ.
Ảnh minh họa.
Tiến sĩ Michael Thompson, nhà tâm lý học trẻ em người Mỹ từng chỉ ra rằng: “Sự tương tác với bạn bè của trẻ là sự tiếp nối trải nghiệm tương tác giữa cha mẹ và con cái. Nếu trẻ không thích nói chuyện trong các tình huống xã hội hằng ngày, cha mẹ nên suy nghĩ lại về hành vi của chính mình”.
Bạn hãy tự hỏi mình, liệu bản thân có chủ động chào hỏi những người mới gặp lần đầu không? Bạn có giao tiếp với con cái hằng ngày có bình đẳng và thú vị không? Bạn có nói chuyện một cách tự nhiên trong một số tình huống xã hội không?
Con cái là bản sao của cha mẹ. Chỉ khi cha mẹ nỗ lực thay đổi bản thân, tích cực thể hiện bản thân trong các dịp xã giao trước mọi người thì mới có thể làm gương cho con cái.
“Tôi có một trải nghiệm rất khó chịu khi còn nhỏ. Đó là khi cha đưa tôi tới một bữa tiệc do họ hàng tổ chức. Trong bữa tiệc, những đứa trẻ khác rất dạn dĩ, trong khi tôi lại nhút nhát nên bị cha phê bình nặng nề. Bây giờ nhìn lại, vì cha mẹ tôi không cho tôi cơ hội giao du nhiều nên tôi không rất sợ hãi trong môi trường như vậy”, người bố này chia sẻ.
Ngoài ra, đối với những trẻ ngại giao tiếp, cha mẹ cũng có thể kể câu chuyện của chính mình. Khi trẻ được nghe kể như vậy, chúng sẽ có sự đồng cảm mạnh mẽ hơn.
“Cô con gái Hana đặc biệt thích nghe những câu chuyện về thời thơ ấu của tôi. Tôi cũng từng có lúc rất sợ người lạ, không dám chào hỏi người lớn hay bắt chuyện với bạn bè. Sau khi nghe xong, tôi có cảm giác như mình đã rút ngắn khoảng cách với con gái mình”, người bố nói.
Cha mẹ hãy kể khéo những câu chuyện của chính mình cho con nghe, điều này cũng sẽ khiến đứa trẻ trở thành một người sẵn sàng bày tỏ và thích chia sẻ.
Nhiều em thiếu khả năng trò chuyện và trả lời
Khi trẻ có mong muốn thể hiện, chúng cần luyện cách nói chuyện. Trẻ có kỹ năng xã hội tốt thường có xu hướng suy nghĩ tích cực hơn và có kỹ năng diễn đạt tốt. Đây thực chất là sự kết hợp giữa khả năng tưởng tượng, vốn từ vựng và sự hiểu biết.
Một số đứa trẻ ngoài tâm lý mặc cảm, chúng còn thiếu khả năng trò chuyện và đối đáp, luôn cảm thấy mình không thể hòa nhập vào cuộc trò chuyện.
Để giải quyết tình trạng này của trẻ, cha mẹ có thể áp dụng trò chơi đối đáp giữa 2 người.
“Tôi và Hana thường chơi trò đối đáp. Chẳng hạn như tôi hỏi, Trái đất ngày càng nhiều rác chúng ta phải làm gì”. Hana đáp: Chúng ta sẽ lượm rác và không vứt rác bừa bãi. Tôi sẽ hỏi tiếp: Ngoài làm như vậy chúng ta sẽ làm được gì nữa. Hana suy nghĩ một lúc rồi trả lời: À còn phải xây thêm nhà máy xử lý rác nữa ạ. Câu chuyện của 2 cha con sẽ chỉ xoay quanh chủ đề về rác thải”, người bố chia sẻ.
Việc trò chuyện, đối đáp như thế này có thể rèn luyện kỹ năng diễn đạt, suy nghĩ, giải quyết vấn đề của trẻ. Từ đó, trẻ sẽ có nhiều ý tưởng hơn, cải thiện khả năng nói của mình.
Cha mẹ có thể sử dụng 2 phương pháp dưới đây để giải quyết các vấn đề xã hội mà trẻ không dám nói:
- Tạo môi trường cho trẻ thể hiện
Hầu hết trẻ sẽ bộc lộ bản thân trong những tình huống đông người. Điều này đòi hỏi cha mẹ phải tạo ra môi trường cho trẻ thể hiện, chẳng hạn tổ chức sinh nhật và mời bạn bè tới, tổ chức một cuộc thi vui trong gia đình.
Điều này càng quan trọng hơn đối với những đứa trẻ hướng nội, giúp chúng rèn luyện lòng can đảm và khả năng thể hiện. Việc làm quen với nhóm nhỏ sẽ giúp trẻ tự tin dần hơn.
- Thường xuyên “tự diễn xuất”
Việc đóng kịch, tự diễn xuất trong những tình huống khác nhau với cha mẹ sẽ phần nào giúp trẻ dễ dàng bắt chuyện và hòa nhập với mọi người xung quanh hơn. Tuy nhiên, cách làm này cần sự kiên nhẫn và phối hợp của cha mẹ.
Trong quá trình diễn xuất tại nhà, cha mẹ cũng nên khen ngợi con mình. Hầu hết trẻ xem đây là một trò chơi thú vị và rất hào hứng chơi.
Không đứa trẻ nào được sinh ra với khả năng đối mặt với những tình huống trong xã hội, chính nhờ tập luyện liên tục mà chúng mới biết giải quyết được các vấn đề sau này.