Mỗi khi có đoàn xe máy được tỉnh Kon Tum dẫn đường đến bàn giao cho tỉnh Quảng Nam, nhóm chị được tổ kiểm soát thông báo số lượng. Nhóm sẽ chuẩn bị sẵn lương thực, nước uống, xăng, đồng thời mua chiếu để họ nằm nghỉ lấy sức.
Chị Na cho hay, nhóm đã tiếp sức số hàng hoá trị giá hơn 70 triệu đồng và sẽ tiếp tục duy trì cho đến khi không còn người về bằng xe máy. Ngoài bánh kẹo, những ngày tới nhóm sẽ nấu cơm, cháo phục vụ người qua chốt. Nguồn kinh phí do câu lạc bộ kêu gọi từ các Mạnh Thường Quân.
Anh Sồng Bá Cha (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) làm công nhân ở bốc vác ở Bình Dương, từ tháng 6 đến nay không có việc làm nên chạy xe máy về quê. "Về đến đây, tôi được phát đồ ăn, nước uống và chiếu nằm nghỉ. Xe bị hỏng có người sửa chữa giúp và đổ xăng miễn phí", anh nói. Anh dự định lần này về quê kiếm việc chứ không vào lại miền Nam.
Từ 24 đến 31/7, chốt kiểm dịch đèo Lò Xo đón 15 đoàn đi bằng xe máy, với hơn 3.000 người. Con số này được dự đoán tiếp tục tăng. Sau khi nghỉ ngơi, họ sẽ được cảnh sát Quảng Nam dẫn đường đi 130 km đến vùng giáp ranh bàn giao cho Đà Nẵng để tiếp tục được dẫn đường ra các tỉnh phía Bắc.
Tại Đà Nẵng, mỗi ngày có hàng trăm lượt người từ Thừa Thiên Huế, Quảng Trị... đi xe máy qua địa phận. Lực lượng cảnh sát giao thông khi tiếp nhận, chứng kiến nhiều phương tiện bị hư nhông xích, săm, lốp... đã kêu gọi tình nguyện viên giúp đỡ.
Nhóm SOS Đà Nẵng với các thành viên là những người trẻ có kinh nghiệm cứu hộ xe miễn phí trên đường phố Đà Nẵng, đã nhận tham gia. Năm tình nguyện viên của nhóm thường xuyên theo chân cảnh sát giao thông có mặt tại quốc lộ 14B, khu vực chốt kiểm soát Hoà Khương (đoạn giáp ranh Quảng Nam).
Người dân đến chốt sẽ được sắp xếp nghỉ chân tại khu đất trống trong lúc chờ hoàn tất thủ tục để cảnh sát giao thông dẫn qua địa phận. Lúc này, các tình nguyện viên sửa xe mang quần áo bảo hộ như nhân viên y tế sẽ kiểm tra phương tiện, khắc phục các lỗi như hỏng phanh, thủng lốp...
Các thành viên SOS Đà Nẵng là sinh viên hoặc làm nghề khác nhau, nhưng đều được đào tạo về sửa chữa xe máy cơ bản. "Nhiều thầy cô, các cửa hàng phụ tùng xe máy... ủng hộ ruột lốp, phụ tùng để thay thế miễn phí", anh Lê Đình Lượng, Phó bí thư Đoàn trường ĐH Đông Á, cho biết. Nhiều nhà hảo tâm khi biết đến hoạt động của các bạn trẻ cũng chung tay giúp đỡ.
Nhiều người dân khó khăn khi qua chốt cũng được các tình nguyện viên tại đây kêu gọi giúp đỡ. Trong sáng 31/7, một gia đình ở Nghệ An chạy xe máy chở con trai 9 ngày tuổi về quê, người vợ còn chưa cắt chỉ do sinh mổ, đã được các tình nguyện viên trong đội xe bán tải Đà Nẵng hỗ trợ 3 triệu đồng và thuê xe cứu thương chở thẳng về quê.
Hai ngày nay, tại chốt kiểm soát cầu Bến Thủy 2, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) chị Đinh Thu Hiền, 47 tuổi, trú phường Hà Huy Tập, thành phố Vinh đã tặng tiền mặt cho những người chạy xe máy về quê. "Sức tới đâu thì làm tới đó. Gia đình chuẩn bị 150 suất, mỗi suất một phong bì 500.000 đồng", chị Hiền nói.
Bên cạnh thùng phong bì, trên đầu xe của chị còn có thùng đựng các gói xôi. Không trực tiếp trao tận tay từng người nhằm phòng dịch song từ trong xe nhìn những cử chỉ cảm ơn, chị thấy rất xúc động.
Tại chốt kiểm soát này còn một nhóm từ thiện khác phát tiền mặt với mức 100.000-200.000 đồng, tùy hoàn cảnh từng người. Nhiều cá nhân, tổ chức khác thông qua lực lượng làm nhiệm vụ đã gửi hàng nghìn suất quà, nhu yếu phẩm ngay tại chốt để người dân dùng miễn phí.
Làm nghề uốn tóc tại TP HCM, chị Nguyễn Thị Hương ba ngày trước đã quyết định vê quê ở xã Cẩm Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An). Trong thâm tâm, chị chuẩn bị tinh thần đón nhận sự xa lánh của mọi người dọc đường. Nhưng, cả hành trình dài hơn 1.500 km, chị được cảnh sát dẫn đường, tình nguyện viên hỗ trợ, người dân tiếp sức rất nhiều.
"Tôi trân trọng và không thể quên được những tình cảm đó trong giai đoạn khó khăn này", người phụ nữ 32 tuổi, nói.
Cơ quan chức năng thống kê, nửa tuần trở lại đây, mỗi ngày có hàng trăm lượt người quê ở Nghệ An, Thanh Hóa... chạy xe máy từ các tỉnh miền Nam về quê tránh dịch.
Theo Vnexpress - WSG maketing Tổng Hợp